Bạn luôn trầm trồ trước những bức ảnh sản phẩm chuyên nghiệp đến từ các thương hiệu lớn. Làm thế nào để chụp hình sản phẩm chuyên nghiệp như vậy? Theo dõi bài viết dưới đây để nhận được những lời khuyên từ các nhiếp ảnh gia nhé!
Khi thị trường kỹ thuật số phát triển, nhu cầu về nội dung tốt và phương tiện truyền thông bắt mắt cũng tăng theo. Ngày càng có nhiều thương hiệu và doanh nghiệp tự chụp ảnh quảng cáo để theo kịp nhu cầu, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất.
Theo dõi 5 bí kíp hữu ích dưới đây để bạn có tự chụp những hình ảnh sản phẩm “xịn” như thuê ngoài nhé!
1. Chú ý đến thông điệp trong mỗi bức ảnh
Mỗi chi tiết trong khung hình cần truyền đạt một thứ gì đó đến khán giả và khiến họ ít nhiều cảm nhận được (có thể là ánh sáng, âm thanh, điểm tập trung, bố cục, v.v.) Vì vậy, hãy chú ý đến nó và chụp một cách có chủ ý.
Hiểu lý thuyết màu sắc và áp dụng đúng lúc
Bản thân màu sắc có thể là một công cụ tuyệt vời để tạo ra cảm giác hài hòa, tin tưởng, khéo léo hoặc sang trọng. Ngược lại, nó cũng có thể tạo ra sự kích thích, căng thẳng và nhịp độ nhanh.
Bạn có thể tham khảo ý nghĩa màu sắc và tâm lý học màu sắc để truyền tải đúng thông điệp qua bức ảnh của mình nhé
Màu sắc là một công cụ trực quan vô cùng nhạy cảm để giao tiếp. Các tông màu giống nhau hoàn toàn có thể truyền đạt những cảm xúc rất khác nhau khi kết hợp với các màu sắc khác.
Hai hình ảnh dưới đây là một ví dụ về sự khác biệt cảm xúc giữa màu đỏ với màu trắng và màu đỏ với màu đen. Hình ảnh bên trái sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, an toàn, tươi mới và sạch sẽ trong khi hình ảnh bên phải sẽ khiến bạn cảm thấy một chút quyến rũ, bí ẩn và mạo hiểm hơn một chút.
Quan sát ánh sáng bằng mắt, đừng dự đoán
Ánh sáng là một trong những yếu tố tối quan trọng trong chụp ảnh sản phẩm. Bạn rất dễ bị cuốn vào việc tưởng tượng / dự đoán xem ánh sáng sẽ chiếu vào đối tượng thế nào, thay vì sử dụng đôi mắt để quan sát. Làm việc với một nguồn sáng tại một thời điểm cho phép bạn mỗi loại ánh sáng đang thực hiện chức năng gì, từ đó tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc giải quyết vấn đề về nguồn sáng (phát hiện các phản xạ không mong muốn, bóng tối, v.v.).
Hãy để ý đến những vấn đề sau:
- Ánh sáng có mang lại sự tập trung cho thương hiệu, và hình ảnh logo có rõ ràng không?
- Ánh sáng có làm nổi bật các hình dạng và vật liệu thiết kế được sử dụng không? Hay đang che lấp chúng?
- Nó có thể hiện đúng tâm trạng bạn muốn truyền tải không? Dưới đây là một ví dụ về cách ánh sáng tạo cảm giác tổng thể.
2. Ánh sáng tự nhiên vs ánh sáng nhân tạo
Ánh sáng tự nhiên
Ưu điểm:
Một khung cửa sổ đón ánh sáng tự nhiên có thể là một giải pháp đơn giản và tiết kiệm cho những shot hình chụp sản phẩm, đặc biệt nếu bạn muốn hình ảnh của mình trông thật tự nhiên & nguyên bản.
Nhược điểm:
- Khó kiểm soát ánh sáng – Ánh sáng tự nhiên thay đổi liên tục, do đó mọi thứ thay đổi liên tục (nghĩa là màu sắc, tâm trạng, cài đặt máy ảnh, v.v.).
- Ánh sáng tự nhiên có thể dẫn đến thời gian phơi sáng lâu hơn hoặc cài đặt iso cao hơn (tạo ra nhiễu / hạt không mong muốn).
- Có thể có ánh sáng xung quanh không mong muốn (phản xạ, trộn màu, v.v.)
- Nếu định chụp một bộ catalog sản phẩm, bạn có thể sẽ phải đối mặt với sự không đồng nhất về màu sắc, ánh sáng trong các bức hình của mình
Dưới đây là một ví dụ về cách ánh sáng có thể thay đổi cảm giác tổng thể. Bức hình đầu tiên mang lại cảm giác tự nhiên, quen thuộc và dễ tiếp cận, trong khi ánh sáng studio trong bức thứ 2 được sử dụng để làm cho tất cả các kết cấu và tông màu thật nổi bật, bạn gần như có thể nếm từng ly cocktail!
Ánh sáng nhân tạo
Ưu điểm:
- Đầu ra có tính nhất quán – Ánh sáng nhất quán trong chụp ảnh sản phẩm chính là chìa khóa làm nên những bức ảnh xuất sắc.
- Khi chụp catalog, cân bằng màu chính xác xuyên suốt buổi chụp rất quan trọng và điều này chỉ có thể đạt được khi nguồn sáng không đổi.
- Kiểm soát tốt – Khi nói đến ánh sáng nhân tạo, có hàng tấn thiết bị, công cụ sửa đổi và kỹ thuật để định hình ánh sáng. Điều này cho phép bạn linh hoạt sáng tạo hoặc tìm ra ánh sáng lý tưởng và hoàn hảo nhất phù hợp với chủ đề và
- diện mạo sản phẩm.
Nhược điểm:
- Chi phí – Chi phí để lắp đặt một bộ thiết bị chiếu sáng chuyên nghiệp khá đắt đỏ, trong khi thực tế nhu cầu của bạn có thể không cần nhiều đến ánh sáng studio như vậy. Có nhiều cách để tiết kiệm chi phí và sáng tạo với ánh sáng tự nhiên xung quanh bạn hơn.
- Không gian – Sử dụng một bộ đèn chiếu sáng, đòi hỏi một không gian đủ rộng với trần nhà cao. Ánh sáng nhân tạo còn cần đến giá đỡ đèn, boom arm và nhiều thiết bị khác. Do đó, nó sẽ chiếm rất nhiều không gian của bạn và điều này không thật sự cần thiết.
3. Cập nhật xu hướng, đừng chạy theo xu hướng
Các bộ lọc ‘trendy’
Bình thường khi thấy những filter mới mẻ, các kỹ thuật giật gân, hay ho và đầy bắt mắt, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy bị thôi thúc phải sử dụng nó, phải thử chúng. Nhưng khoan đã, hãy nghĩ xem chúng có phù hợp với nhận dạng thương hiệu hay mục đích của sản phẩm bạn đang làm không? Nếu có, thử ngay cho nóng, còn không thì chỉ cần đi đúng với thương hiệu thì bạn vẫn sẽ nổi bật thôi.
Bạn có thể thấy sự khác biệt trong việc sử dụng hiệu ứng hình ảnh trong hai ví dụ trên đây. Hình ảnh bên trái là một ví dụ thành công khi dùng hiệu ứng bắn tóe để nói lên tính chất làm sạch của sản phẩm. Còn hình ảnh bên phải, có thể thấy họ sử dụng hiệu ứng chỉ vì thích chứ không nhằm bất cứ mục đích gì và nó khiến bức ảnh trở nên thật khó hiểu!
Sản phẩm và cách sắp đặt
Nghệ thuật sắp đặt là một thách thức, một công việc thủ công, tỉ mỉ và đòi hỏi một con mắt thẩm mỹ cao. Có rất nhiều điều bạn cần biết khi sắp đặt phối cảnh, nhưng đây là một số điều cần ghi nhớ:
- Càng đơn giản càng đẹp. Tôn trọng không gian âm – nó có thể tạo ra một phông nền đơn giản và đẹp mắt cho sản phẩm hoặc các yếu tố thiết kế khác.
- Đạo cụ, sử dụng tiết chế và có mục đích. Theo dõi những đồ vật trong khung hình, và cẩn thận không để chúng quá lộn xộn hoặc chiếm spotlight của sản phẩm.
- Lưu ý bề mặt – Khi chụp ảnh sản phẩm bề mặt bóng, bạn cần đặc biệt chú ý lau chùi sạch các dấu vân tay hay vết mờ đục trên bề mặt sản phẩm. Nếu không các vết này sẽ hiện lên rõ mồn một trên ảnh dưới ánh sáng chan hòa.
- Hãy chú ý đến tính dễ đọc của nhãn sản phẩm và logo thương hiệu.
4. Kể câu chuyện một cách trực quan.
Mọi đường nét, mọi chuyển động và kết cấu của một sản phẩm có thiết kế tốt đều sở hữu các đặc điểm và mục đích riêng. Vậy nên hãy nắm bắt chúng! Nắm bắt các chi tiết, câu chuyện của sản phẩm, giống như một nhiếp ảnh gia chân dung sẽ làm với người mẫu của họ.
Khi bạn nhìn vào một bức ảnh sản phẩm được đánh giá tốt và chuyên nghiệp, bạn sẽ cảm nhận được mùi vị của nó, trong một số trường hợp bạn còn tưởng tượng được chúng phát ra âm thanh như thế nào (ví dụ: Tiếng lăn tăn từ một loại đồ uống có ga tươi hoặc tiếng tích tắc của đồng hồ đeo tay).
5. Chụp, chỉnh sửa, in, chỉnh sửa, in
Quá trình in ấn, ăn-ngủ cùng tác phẩm trong một hai ngày, rồi xem lại-tinh chỉnh sau đó in ra lần nữa, giống như các nhiếp ảnh xưa kia vẫn làm, có vẻ như là một nhiệm vụ không thực tế trong thời đại số của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đó là một việc làm rất bổ ích, mà bạn nên thử.
Xem một bản in ấn offline sẽ mang đến trải nghiệm khác biệt so với lúc bạn xem qua màn hình kỹ thuật số. Khi bạn treo những bức hình lên tường và lùi lại xem xét nó, bạn sẽ thấy những điều thường bị bỏ qua khi chỉ xem trên màn hình máy tính. Quá trình này lại càng đáng giá hơn khi bạn đang làm việc với các trang catalog lớn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc nhìn ngắm tất cả các dự án trước đây và hiện tại trên một bức tường, cho phép bạn tìm ra tính đồng nhất của thương hiệu và nhanh chóng phát hiện khi có gì đó không ổn.
Tạm kết,
Chụp ảnh sản phẩm có thể là một thử thách đối với những người mới tiếp cận thể loại này, bên cạnh các kỹ thuật chụp ảnh, hi vọng với bí kíp chụp hình sản phẩm chuyên nghiệp trên đây, bạn sẽ sở hữu những bức ảnh thật ưng ý nhé.